Sốt xuất huyết: Bệnh thường gặp nhưng dễ mất mạng như chơi
Sốt xuất huyết là bệnh phổ biến, không khó điều trị nhưng rất dễ tử vong nếu bệnh nhân không nhập viện kịp thời. Trang bị tốt kiến thức về sốt xuất huyết sẽ giúp phòng tránh bệnh hiệu quả. Hãy cùng Doctor Lâm tìm hiểu nhé!
Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lây truyền bởi muỗi vằn, thường bùng phát vào mùa mưa. Dịch sốt xuất huyết thường xảy ra ở những nơi có môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi như nơi ao tù nước đọng, nơi không đảm bảo vệ sinh.
Theo tổ chức y tế thế giới, sốt xuất huyết đang là mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe cộng đồng của nhiều quốc gia tại châu Mỹ và châu Á, trong đó có Việt Nam. Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng trên dưới 50 triệu người bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết. Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, trong năm 2019, số ca mắc sốt xuất huyết toàn quốc là trên 200.000 ca, tăng gấp 3 lần so với năm 2018. Trong đó có 50 người tử vong.
Nguyên nhân và triệu chứng bệnh sốt xuất huyết
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết
Nguyên nhân gây sốt xuất huyết chủ yếu là do virus dengue có trong cơ thể loài muỗi Aedes aegypti. Cơ chế lây nhiễm như sau: Muỗi cái Aedes hút máu bệnh nhân nhiễm virus Dengue, virus ủ bệnh trong cơ thể muỗi, muỗi nhiễm virus tiếp tục lan truyền bệnh sang cho người lành.
Virus Dengue có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên, không lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành mà qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes.
Bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch nhiều lần trong năm. Mỗi người có thể bị mắc sốt xuất huyết tới 4 lần trong đời. Lần sau có thể nặng hơn lần trước.
Triệu chứng sốt xuất huyết
Triệu chứng của sốt xuất huyết tăng dần theo từng cấp độ. Bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 cấp độ: sốt xuất huyết thể nhẹ, sốt xuất huyết chảy máu và sốt xuất huyết dengue (cấp độ nặng nhất).
Sốt xuất huyết thể nhẹ
Bệnh nhân sốt xuất huyết thể nhẹ biểu hiện bằng triệu chứng sốt trong vòng 4-7 ngày tính từ sau khi bị muỗi truyền bệnh. Sốt xuất huyết thể nhẹ thường không có biến chứng nguy hiểm.
Dấu hiệu sốt xuất huyết thể nhẹ
- Sốt cao liên tục, có thể lên đến 40,5 độ C;
- Đau đầu dữ dội, nhức hai hố mắt;
- Đau khớp, nhức mỏi cơ;
- Buồn nôn, ói mửa;
- Phát ban.
Các ban sốt xuất huyết xuất hiện trên cơ thể 3 - 4 ngày sau khi bị sốt, sau đó thuyên giảm sau 1 - 2 ngày và nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó.
Sốt xuất huyết có chảy máu
Biểu hiện sốt xuất huyết dạng này bao gồm tất cả các triệu chứng của sốt xuất huyết thể nhẹ kèm theo chảy máu cam, chảy máu nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím trên cơ thể. Thể bệnh này nếu không được kịp thời điều trị sẽ dẫn đến sốt xuất huyết biến chứng và có thể tử vong.
Sốt xuất huyết dengue
Đây là thể bệnh sốt xuất huyết nặng nhất. Biểu hiện của sốt xuất huyết dạng này gồm tất cả các triệu chứng sốt xuất huyết ở 2 thể trên, kèm theo chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể. Dạng bệnh này rất dễ gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Các biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh có biến chứng rất khó lường, chưa có vắc xin phòng bệnh và cũng chưa có thuốc đặc trị. Bệnh nhân sốt xuất không được điều trị kịp thời sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm:
Suy tim, suy thận cấp
Xuất huyết liên tục sẽ làm rối loạn hệ thống tuần hoàn máu gây suy tim. Tim bị suy yếu sẽ không đủ sức bơm máu. Lúc này, dịch huyết tương xuất hiện liên tục khiến màng tim bị tràn dịch và ứ đọng. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tim và hệ tuần hoàn dẫn đến xuất huyết cơ tim. Thận cũng phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương dẫn đến tình trạng suy thận cấp.
Sốc do mất máu
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng xuất huyết như chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh...
Xuất huyết não
Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng thường bị giảm tiểu cầu. Khi tiểu cầu quá thấp mà không được truyền kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, dễ tử vong.
Tràn dịch màng phổi
Huyết tương bị tràn sẽ xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp. Nếu không được cấp cứu, bệnh nhân có thể mất mạng.
Hôn mê
Hôn mê là biến chứng nặng nhất của sốt xuất huyết. Nguyên nhân là do dịch huyết tương ứ đọng trong màng não qua các thành mạch gây phù não và các hội chứng thần kinh.
Sinh non, sẩy thai
Phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết có nguy cơ cao phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như sinh non, sảy thai, thai chết lưu. Thai phụ có thể bị tiền sản giật, gây tổn thương chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ.
Cách điều trị sốt xuất huyết
Điều trị sốt xuất huyết theo giai đoạn
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng tránh và thuốc đặc trị nên người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ. Sốt xuất huyết người lớn ở thể nhẹ có thể được điều trị tại nhà hoặc đến cơ sở y tế tùy từng giai đoạn.
Điều trị sốt xuất huyết thường trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn điều trị sốt xuất huyết ở nhà: Khi có biểu hiện sốt từ 2-7 ngày, người bệnh có thể được chỉ định điều trị ở nhà với biện pháp uống thuốc hạ sốt và bù nước.
- Giai đoạn nhập viện thời gian ngắn từ 12-24 giờ: Cần đưa bệnh nhân sốt xuất huyết đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các điểm xuất huyết dưới da và niêm mạc.
- Giai đoạn nhập viện thời gian dài trên 24 giờ: Bệnh nhân sốt xuất huyết cần nhập viện điều trị ngay khi có biểu hiện sốt li bì, chân tay lạnh, mạch yếu, viêm họng, khó thở...
Những điều cần lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết
- Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng quá liều lượng để tránh gây tổn thương cho gan.
- Bệnh nhân sốt xuất huyết được khuyến nghị chỉ dùng thuốc hạ sốt, không tự ý dùng thuốc kháng sinh. Trường hợp có biến chứng, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Chỉ nên tự dùng nước bù khoáng qua đường uống. Không tự ý truyền dịch tại nhà vì có thể gây ra biến chứng như phù phổi, suy tim...
- Không tự ý điều trị bằng các phương pháp dân gian như xông hơi, cạo gió bởi chúng chưa được kiểm chứng có tác dụng điều trị sốt xuất huyết trong thực tế.
- Tuyệt đối không tắm gội bằng nước lạnh trong thời gian điều trị bệnh.
Xem thêm: Sốt xuất huyết kiêng gì? Những điều cấm kỵ khi bị sốt xuất huyết
Chế độ sinh hoạt cho bệnh nhân sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết nên ăn gì?
Uống nhiều nước
Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường bị mất nước trầm trọng do sốt cao kéo dài. Vì vậy, người bệnh cần được bổ sung càng nhiều nước và điện giải càng tốt.
Bổ sung nước ép từ rau củ quả
Để tăng sức đề kháng cho cơ thể, người mắc sốt xuất huyết không nên chỉ uống nước lọc. Nước ép từ các loại trái cây giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi, đu đủ sẽ giúp tăng sức đề kháng, nhanh chóng đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, nước ép từ các loại rau lá xanh đậm như cải bó xôi cũng giúp quá trình loại bỏ virus ra khỏi cơ thể tăng lên đáng kể.
Ăn cháo loãng, súp
Sốt xuất huyết gây mệt mỏi, đau cơ bắp khiến người bệnh rất khó chịu và chán ăn. Vì vậy, không nên cho người bệnh ăn các loại thức ăn cứng. Thức ăn dạng lỏng, nhiều dinh dưỡng như cháo, súp sẽ dễ nuốt và dễ hấp thu hơn.
Sốt xuất huyết không nên ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự chuyển biến của bệnh sốt xuất huyết. Dưới đây là những thực phẩm bệnh nhân sốt xuất huyết nên tránh để hạn chế xuất huyết nặng hơn:
- Không nên ăn các thực phẩm có màu đỏ, đen, nâu. Các thực phẩm này sẽ làm phân bị nhuộm màu tối, gây khó nhận biết phân có bị lẫn máu hay không.
- Nên hạn chế ăn trứng và các thực phẩm giàu protein. Bởi khi tiêu hóa các thực phẩm này, cơ thể sẽ tạo ra một lượng nhiệt lớn, làm cho bệnh nhân lâu hạ sốt hơn.
- Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ cũng không nên ăn vì khó tiêu, khiến cơ thể chậm phục hồi.
- Các món ăn cay nóng cũng khiến cho bệnh sốt xuất huyết trở nặng hơn.
- Đồ uống chứa chất kích thích như trà, cafe, rượu bia làm tăng huyết áp, giảm tác dụng của thuốc hạ sốt.
- Nước ngọt, nước có ga khiến cho quá trình tiêu diệt vi khuẩn của bạch cầu trở nên chậm chạp, bệnh lâu khỏi hơn.
Một số lưu ý để phòng tránh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh dễ lây truyền từ người này sang người khác qua đường muỗi đốt. Vì chưa có vắc xin phòng tránh và thuốc đặc trị, nên biện pháp ngăn ngừa sốt xuất huyết tốt nhất chính là:
- Vệ sinh nơi ở và môi trường sống xung quanh sạch sẽ;
- Mắc màn khi đi ngủ;
- Phát quang bụi rậm, không nên tích trữ nước trong thùng, xô, chậu lâu ngày;
- Thực hiện các biện pháp tiêu diệt muỗi bằng cách đốt nhang muỗi, vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi.
Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết có lây không?
Sốt xuất huyết có lây từ người sang người qua muỗi đốt. Muỗi Aedes (muỗi vằn) đốt người mắc bệnh sốt xuất huyết hoặc người nhiễm vi rút Dengue, sau đó đốt người khỏe mạnh sẽ truyền virus cho người đó.
Sốt xuất huyết có được tắm gội không?
Trong thời gian bị sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể tắm rửa nhưng nên hạn chế. Bởi tắm gội sẽ làm cho thành mạch bị giãn khiến cho tình trạng xuất huyết nặng hơn. Bệnh nhân sốt xuất huyết nên dùng khăn ấm lau người để vệ sinh hàng ngày, tuyệt đối không nên tắm gội bằng nước lạnh.
Sốt xuất huyết có tự khỏi không?
Về lý thuyết, sốt xuất huyết thể nhẹ hoặc trung bình có thể tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nên thăm khám ở các cơ sở y tế để được xét nghiệm và tư vấn hướng điều trị.
Bệnh sốt xuất huyết kéo dài bao lâu?
Bệnh sốt xuất huyết có thể kéo dài từ 7-10 ngày.
Sốt xuất huyết có bị lại không?
Bệnh sốt xuất huyết có thể bị lại. Theo nghiên cứu, sốt xuất huyết có thể mắc lại tới 4 lần. Tuy nhiên, trên thực tế, không có nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết đến lần thứ 4, thường chỉ bị 2-3 lần. Lần sau có thể nặng hơn lần trước.
Sốt xuất huyết quan hệ có sao không?
Theo TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, sốt xuất huyết không lây qua đường quan hệ tình dục, cũng không lây lan qua đường ăn uống.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi xuất hiện triệu chứng sốt cao liên tục trong 1-2 ngày, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được tiến hành kiểm tra, xét nghiệm và phát hiện bệnh. Bệnh nhân sốt xuất huyết tuyệt đối không nên chủ quan tự điều trị ở nhà khi chưa có kết luận và chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, nên chủ động phòng tránh sốt xuất huyết bằng cách giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thực hiện các biện pháp tiêu diệt muỗi thường xuyên.