Sốt xuất huyết lây qua đường nào?
Sốt xuất huyết dễ bùng phát thành dịch nên nhiều người lầm tưởng nó có thể lây qua tiếp xúc hay hô hấp. Thực tế không phải như vậy. Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc sốt xuất huyết lây qua đường nào?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường xảy ra ở những quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Tại Việt Nam, bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10. Sốt xuất huyết do virus dengue gây ra, lây lan qua đường muỗi vằn đốt.
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị mà chỉ dùng thuốc điều trị triệu chứng của bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy tim, suy thận, xuất huyết não, tràn dịch màng phổi, hôn mê... thậm chí tử vong. Khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, cần tới các cơ sở y tế gần nhất để được làm các xét nghiệm và điều trị càng sớm càng tốt.
Các triệu chứng khi bị mắc sốt xuất huyết:
- Sốt cao, có thể lên đến 40,5 độ C;
- Đau đầu dữ dội;
- Đau người ê ẩm;
- Buồn nôn và ói mửa;
- Phát ban.
Sốt xuất huyết lây qua đường nào?
Hiểu rõ sốt xuất huyết lây qua những đường nào sẽ giúp phòng tránh sốt xuất huyết hiệu quả.
Lây qua đường muỗi vằn đốt
Muỗi vằn hay còn gọi là muỗi aedes là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết chủ yếu. Muỗi vằn đốt người bị bệnh sốt xuất huyết hoặc người nhiễm virus Dengue (không biểu hiện triệu chứng), sau đó đốt người lành sẽ đưa virus vào cơ thể họ qua vết đốt đó.
Đặc điểm nhận diện của muỗi aedes:
- Gồm hai loại với tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Trong đó loại muỗi Aedes aegypti là tác nhân gây bệnh chính.
- Muỗi Aedes hay có tên gọi khác là muỗi vằn. Chúng có màu đen, trên thân và chân có đốm trắng.
- Muỗi vằn cái thường chỉ đốt vào ban ngày, nhiều nhất là vào sáng sớm và trước hoàng hôn.
- Chúng thường cư trú ở những góc tối, trên quần áo và các vật dụng trong nhà.
- Muỗi vằn sinh sản và đẻ trứng ở những nơi có nước đọng như: ao, hồ, trong các dụng cụ chứa nước không có nắp đậy...
- Chúng sinh sôi mạnh vào mùa mưa, khi nền nhiệt trung bình trên 20 độ. Môi trường nóng ẩm là điều kiện lý tưởng để muỗi phát triển.
- Muỗi đã nhiễm virus có thể truyền bệnh suốt đời. Vì vậy, một con muỗi nhiễm virus có thể truyền bệnh cho nhiều người. Đặc biệt, virus còn truyền sang trứng muỗi, nở ra thế hệ con tiếp tục lan truyền bệnh. Trứng của chúng có thể chịu được khô hạn hơn một năm và vẫn có thể nở ra loăng quăng khi gặp nước.
- Muỗi vằn chỉ bay trong vòng 80-100m, có thể bay xa hơn tùy theo độ nhẹ. Ngoài ra, chúng có thể đi theo các phương tiện giao thông, thậm chí cả máy bay tới các khu vực khác và gieo rắc mầm bệnh.
Lây qua đường lấy máu hoặc dùng chung bơm kim tiêm
Sốt xuất huyết có thể bị lây khi lấy máu của người mang mầm bệnh truyền cho người khỏe mạnh. Hoặc người bệnh và người lành dùng chung bơm kim tiêm. Tuy nhiên, đây là con đường lây bệnh ít phổ biến hơn.
Lây truyền tại bệnh viện
Virus sốt xuất huyết cũng có thể bị lây truyền qua các chế phẩm máu, phơi nhiễm với tổn thương do kim tiêm, tổn thương niêm mạc.
Lây truyền dọc
Người mẹ nhiễm virus dengue trong vòng 10 ngày trước sinh có thể truyền bệnh cho con khi sinh. Bệnh có thể biểu hiện ở trẻ sơ sinh khi được 4-11 ngày tuổi.
Xem thêm: sốt xuất huyết khi mang thai
Những hiểu lầm phổ biến về bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết chỉ bị duy nhất 1 lần?
Nhiều người cho rằng đã mắc sốt xuất huyết 1 lần thì sẽ không bị nữa trong suốt phần đời còn lại. Nhưng thực tế, một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều nhất 4 lần trong đời. Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi 1 trong 4 loại vi rút Dengue. Nếu lần đầu người bệnh bị mắc sốt xuất huyết do vi rút Dengue loại 1 gây ra thì sau này vẫn có thể bị mắc do 3 loại vi rút còn lại. Lần mắc sau thường sẽ nặng hơn lần trước.
Bị lây sốt xuất huyết khi tiếp xúc với người bệnh
Sốt xuất huyết không lây qua đường tiếp xúc, dịch tiết, hô hấp. Vậy nên không cần xa lánh hay cách ly người bệnh. Nếu sống trong vùng dịch sốt xuất huyết hay trong gia đình có người sốt xuất huyết, người lành cần tránh để muỗi đốt. Bởi sốt xuất huyết chỉ lây khi bị muỗi vằn nhiễm virus đốt.
Khi hết sốt có nghĩa là hết bệnh
Đây là quan niệm cực kỳ sai lầm và có thể dẫn đến nguy hiểm. Sốt cao là giai đoạn đầu của sốt xuất huyết. Sau khi hết sốt, người bệnh cần được theo dõi kỹ hơn bởi đây là giai đoạn bệnh dễ trở nặng và gây ra nhiều biến chứng khó lường nhất. Thông thường, người bệnh sẽ chỉ sốt cao trong 3-4 ngày đầu và điều trị bằng cách dùng thuốc hạ sốt, bù nước. Sau đó, việc điều trị vẫn phải tiếp tục theo chỉ định của bác sĩ. Sốt xuất huyết sẽ khỏi trong khoảng từ 7-10 ngày, nhiều trường hợp có thể lên đến 14 ngày.
Dùng kháng sinh, truyền dịch sẽ nhanh hết bệnh?
Sốt xuất huyết là bệnh do vi rút, thuốc kháng sinh lại không diệt được virus. Nên nó không có tác dụng trong điều trị sốt xuất huyết. Đồng thời, các bác sĩ khuyên nên ưu tiên bù nước cho bệnh nhân sốt xuất huyết qua đường uống. Truyền dịch không đúng thời điểm có thể khiến bệnh nhân bị sốc, gây nguy hiểm hơn. Vì thế, tuyệt đối không nên tự truyền dịch khi bị sốt xuất huyết.
Tăng liều lượng thuốc để hạ sốt nhanh
Bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao và khó dứt. Để hạ sốt nhanh, nhiều người đã tự ý tăng liều thuốc hạ sốt mà không tuân thủ chỉ định. Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm vì nó có thể gây nguy cơ chảy máu, xuất huyết. Người bệnh lưu ý, chỉ uống thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng chỉ định, mỗi lần uống cách nhau ít nhất 4 tiếng. Tuyệt đối không tự ý rút ngắn khoảng cách giữa 2 lần uống xuống dưới 4 tiếng hoặc tăng liều lượng.
Các cách phòng tránh sốt xuất huyết
Thực hiện các biện pháp diệt muỗi
Sốt xuất huyết lây truyền chủ yếu qua muỗi vằn nên cách tốt nhất để phòng tránh bệnh này chính là diệt muỗi. Dưới đây là những phương pháp diệt muỗi hiệu quả:
- Đậy kín các vật dụng chứa nước để triệt tiêu nơi đẻ trứng của muỗi.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, vứt bỏ những vật dụng không cần thiết, sắp xếp đồ đạc gọn gàng để hạn chế nơi trú ẩn của muỗi.
- Phát quang bụi rậm quanh nhà, trồng thêm các loại cây có tinh dầu như hương thảo, bạc hà… để đuổi muỗi.
- Phun thuốc diệt muỗi, sử dụng các loại thuốc xịt muỗi, vợt điện để diệt muỗi.
Phòng chống muỗi đốt
Hạn chế tiếp xúc với muỗi cũng là cách phòng tránh sốt xuất huyết tốt.
- Mặc quần áo dài để tránh tiếp xúc với muỗi. Nên lựa chọn quần áo sáng màu vì muỗi có xu hướng thích màu tối hơn.
- Thoa vitamin B1 để muỗi không đến gần vì chúng không thích mùi của loại vitamin này.
- Ngủ màn kể cả ban ngày và ban đêm.
Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người mà lây chủ yếu qua đường muỗi vằn đốt. Hy vọng, bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về sốt xuất huyết và giải đáp được thắc mắc sốt xuất huyết lây qua đường nào?