Bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên – Mẹ có biết vì sao?

Bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên là một hiện tượng rất dễ gặp ở trẻ sơ sinh. Điều này khiến các bậc cha mẹ lo lắng không biết con có bị đau ở đâu hay gặp vấn đề bất thường nào về sức khỏe không?... Hãy cùng điểm danh những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ tự nhiên khóc thét lên khi ngủ cha mẹ nhé!

Nguyên nhân bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên là gì?

Nguyên nhân bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên là gì?

Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi thì việc trẻ tự nhiên khóc thét khi đang ngủ là một dấu hiệu sinh lý bình thường. Hiện tượng bé ngủ hay giật mình khóc thét rất dễ xảy ra trong 3 tháng đầu đời do giấc ngủ của trẻ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Sau đây là 5 nguyên nhân thường gặp:

1. Trẻ đói

Đói là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến con bạn khóc đêm, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Em bé của bạn càng nhỏ tuổi thì khả năng bé đói bụng mà khóc thét khi đang ngủ lại càng cao.

Hẳn cha mẹ đã biết dạ dày của bé là rất nhỏ và không thể chứa nhiều sữa. Vì vậy, trẻ sẽ rất nhanh đói. Và khi đói, một phản ứng tự nhiên là trẻ sẽ khóc để đòi ăn. Nếu cha mẹ đáp ứng kịp thời nhu cầu ăn thì trẻ sẽ hết khóc và tiếp tục ngủ khi no bụng.

2. Nhu động ruột tăng

Thông thường, nhu động ruột của trẻ điều hòa thì sẽ không gây đau. Tuy nhiên, do trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa chưa ổn định. Khi nhu động ruột tăng lên vì một yếu tố nào đó thì có thể gây đau bụng dữ dội, khiến trẻ khóc thét lên. 

Trong trường hợp này, trẻ thường khóc theo cơn và thời gian kéo dài từ 5 phút đến nửa tiếng. Tình trạng này có thể lặp lại hàng ngày nhưng chưa ảnh hưởng tới sức khỏe. Bé khóc xong vẫn ăn ngủ tốt. Như vậy, mặc dù mức độ khóc của trẻ rất dữ dội nhưng lại không hề nguy hiểm nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Tình trạng khóc thét lên đó sẽ sớm chấm dứt khi trẻ được 6 tháng tuổi với nhu động ruột đã hoàn chỉnh. 

3. Trẻ đang cảm thấy khó chịu về thể chất

Tiếng khóc là “ngôn ngữ giao tiếp” duy nhất của trẻ sơ sinh đối với cha mẹ và mọi người xung quanh. Vì vậy, khi trẻ khóc tức là trẻ đang muốn truyền đạt điều gì đó với mọi người. Và rất có thể là trẻ đang cảm thấy “khó ở” do môi trường bên ngoài tác động và làm trẻ ngủ không ngon giấc. 

Trẻ khóc đêm do cảm thấy khó chịu.
Trẻ khóc đêm do cảm thấy khó chịu.

Vậy những yếu tố nào từ môi trường bên ngoài làm bé đang ngủ tự nhiên khóc thét? Đó là trẻ đang bị lạnh hoặc nóng quá hoặc tiếng động mạnh hay ánh sáng trong phòng chưa phù hợp… Trong một số trường hợp, trẻ đang mọc răng mà cha mẹ chưa biết. Bởi quá trình mọc răng có xu hướng diễn biến mạnh hơn vào ban đêm và khiến cơn đau tăng lên, làm trẻ khóc thét khi đang ngủ. Bên cạnh đó, việc tã bỉm quá chật, bị ẩm ướt hoặc bẩn cũng khiến trẻ khó chịu mà quấy khóc.

4. Tinh thần bị kích thích

Một giấc ngủ ngon chỉ có được khi trẻ thấy thoải mái. Nếu trước khi đi ngủ, trẻ đùa nghịch quá nhiều thì hệ thần kinh sẽ bị kích thích và dễ gây căng thẳng. Tình trạng này dễ khiến trẻ bị giật mình, khóc thét lên khi ngủ.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh rất mong manh và nhạy cảm. Nếu bạn nói to hoặc hơi nặng lời với trẻ cũng có thể khiến con sợ hãi, ảnh hưởng tới tinh thần, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí của trẻ. Tất cả làm cho giấc ngủ của trẻ bị chập chờn và dễ giật mình, sợ hãi và khóc thét trong đêm.

5. Thiếu canxi, còi xương

Tự nhiên khóc thét lên khi ngủ là một trong những dấu hiệu “chỉ điểm” tình trạng còi xương, thiếu vitamin D, canxi và suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh. Nếu con bạn không tắm nắng thường xuyên hoặc uống chưa đủ 1 lít sữa hàng ngày thì rất có thể bé đang bị còi xương. Hãy đưa bé đi khám để tìm ra nguyên nhân và cải thiện sớm cha mẹ nhé!

Trên đây là 5 nguyên nhân thường gặp khiến trẻ tự nhiên khóc thét lên khi đang ngủ. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài (trên 3 giờ mỗi ngày, hơn 3 ngày mỗi tuần…) và mức độ khóc của trẻ không giảm thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến nguyên nhân tiếng khóc của con xuất phát từ bệnh lý như bất thường về chức năng của não bộ; dị ứng với protein trong sữa bò; bệnh lý đường tiêu hóa… Nguy hiểm hơn cả là nếu trẻ khóc thét lên khi đang ngủ kèm theo các triệu chứng như nôn, bỏ bú, đi tiểu ra máu… thì rất có thể con bị lồng ruột và cần đưa cấp cứu càng sớm càng tốt.

Bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên không chỉ khiến trẻ mệt mỏi, sợ hãi mà còn làm cha mẹ vô cùng lo lắng. Bởi tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ sau này. Lời khuyên của các chuyên gia Nhi khoa dành cho bạn chính là hãy nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất 18 tháng, tạo môi trường phòng ngủ tốt nhất, quan sát mọi biểu hiện của trẻ để sớm tìm ra nguyên nhân ảnh hưởng tới giấc ngủ của con… Và cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi tình trạng này kéo dài và kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng khác mẹ nhé!